Hơn 200 giờ khai, nộp thuế được chính thức cắt giảm từ tháng 9-2014 đã thể hiện quyết tâm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc thực hiện cam kết cắt giảm thủ tục về thuế cho cộng đồng DN.
Theo tính toán của Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, với hơn 450.000 DN nộp thuế hiện nay trên cả nước, mỗi DN giảm được hơn 200 giờ kê khai, nộp thuế/năm thì cả nước sẽ giảm được gần 120 triệu giờ kê khai, nộp thuế/năm cho các DN, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng.
Lợi ích kép
Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, việc cắt giảm 201,5 giờ khai, nộp thuế kể từ thời điểm 1-9-2014 theo quy định của Thông tư 119/2014/TT-BTC sẽ đạt được hai mục đích là vừa tạo thuận lợi cho DN thông qua việc bãi bỏ 12 chỉ tiêu tại các Bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra; bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa, bán sản phẩm được DN tiếp tục sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh..., vừa không ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN năm 2014 và các năm tiếp theo.
Cùng chung quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cắt giảm chi phí khai, nộp thuế cho DN sẽ tác động rất lớn đến cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đặc biệt, khi giảm được chi phí giao dịch cho DN thì rõ ràng lợi nhuận của DN sẽ tăng lên, giá trị gia tăng sẽ tăng lên, từ đó thúc đẩy rất mạnh mẽ trong việc tăng trưởng nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Cung phân tích, khi giảm chi phí sẽ giảm rủi ro trong đầu tư, khuyến khích tinh thần tự do sáng tạo kinh doanh để hoạt động sản xuất kinh doanh năng động hơn.
Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc (Korcham) tại Việt Nam, ông Kim Jung In cho biết, những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính thuế đã giảm bớt cồng kềnh và nặng nề giấy tờ cho DN. Theo đó, DN không phải mất những chi phí không chính thức; không phải đối phó với thủ tục hành chính để tập trung vào kinh doanh, mở rộng sản xuất. Đây sẽ là động lực để DN Hàn Quốc tin tưởng, tiếp tục tăng cường đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đến nay, Hàn Quốc đã vươn lên dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 4.000 DN, tổng vốn đầu tư khoảng 34 tỷ USD.
Giám đốc tài chính Công ty TNHH Miwon Việt Nam (thuộc Tập đoàn DEASANG Hàn Quốc), ông Ok Jun Seok đã rất ấn tượng về sự thay đổi chính sách thuế thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2013 và đầu năm 2014, một số chính sách mới liên quan đến quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết, địa điểm, hồ sơ, cách thức tiếp cận mới về thuế đã được thông qua và ban hành, có tác động lớn tới DN đầu tư nước ngoài như Miwon.
"Đây chính là động lực để Công ty Miwon tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2013 công ty nộp NSNN là 30 tỷ đồng; dự kiến với tình hình kinh doanh đang khởi sắc như hiện nay hy vọng mỗi năm Công ty sẽ đóng góp NSNN tăng từ 5 đến 10 tỷ đồng. Hiện Miwon là DN FDI nộp thuế lớn thứ 2 của tỉnh Phú Thọ"- ông Ok Jun Seok nói.
Không dừng lại!
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, hiện vẫn tồn tại tình trạng các văn bản chính sách thuế có nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế với cơ quan Thuế; thậm chí giữa các cơ quan Thuế cũng hiểu văn bản hướng dẫn khác nhau đã gây khó cho DN thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra tại DN còn chồng chéo, DN là đối tượng thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan như: Cơ quan Thuế; Công an, Thanh tra tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… Về văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Thuế với người nộp thuế còn nhiều tồn tại.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, để đạt chỉ tiêu cải cách mà Chính phủ đặt ra sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó cơ quan Thuế phải chấp nhận để thay đổi. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ ra, những bất cập còn tồn tại như: Thời gian liên quan đến DN phải đáp ứng trong công tác thanh, kiểm tra thuế còn dài, thời gian giải quyết vướng mắc khiếu nại của DN chậm, thực tế có tình trạng DN không biết khiếu nại của mình đang ở đâu, bao giờ giải quyết vì thời gian giải quyết rất dài...
Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ cùng với Tổng cục Thuế thực hiện dự án tập trung vào 4 nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và quy trình hành chính thuế theo tiêu chuẩn quốc tế; Thứ hai, xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý trong quản lý rủi ro về thuế, nhằm có chế độ khai thuế, kiểm tra thuế phù hợp. Chẳng hạn đối với các Tập đoàn, Tổng công ty là DN lớn cần có hình thức quản lý phù hợp, hoặc các DN nhỏ và vừa thuộc nhóm DN yếu thế thì cần được ưu tiên, nhóm DN rủi ro cao cần dồn lực lượng vào quản lý chặt chẽ; Thứ ba, nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuế; Thứ tư, thực hiện cơ chế đánh giá chấm điểm cơ quan Thuế thực thi công vụ...
Theo HQ Online