Buổi công bố Báo cáo xu hướng lao động và xã hội Việt Nam năm 2019. |
Năm 2019, tiền lương danh nghĩa bình quân của lao động làm công hưởng lương đạt 6,15 triệu đồng/tháng và tăng lên 6,53 triệu đồng vào năm 2021. Khoảng cách tiền lương bình quân giữa ngành nông lâm thủy sản và ngành công nghiệp, dịch vụ vẫn khá lớn. Khoảng cách này lần lượt trong năm 2019 là 64,32% và 57,73%; dự báo đến năm 2021, khoảng cách này sẽ là 63,51% và 57,50%.
Về BHXH và BH thất nghiệp, theo TS. Chử Thị Lân, dự báo giai đoạn 2019-2021, số người tham gia BHXH tăng thêm bình quân 1,2 triệu người/năm, thêm khoảng 90,3 nghìn người hưởng chế độ hưu trí mỗi năm và số người tham gia BH thất nghiệp tăng bình quân mỗi năm gần 740 nghìn người.
Về giảm nghèo, mặc dù kết quả rất tích cực với mức giảm nhanh về tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng số hộ nghèo là dân tộc thiểu số sẽ vẫn chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thể thu hẹp, nhất là các vùng đồng bằng, miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên tiếp tục là thách thức trong những năm tới.
Báo cáo cũng đưa ra một số hàm ý chính sách, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách thuộc lĩnh vực lao động, việc làm, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Việc làm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, tập trung tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đổi mới đào tạo để có những kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Báo cáo cũng khuyến nghị, thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH, chú trọng công tác tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách BHXH, BHYT; hoàn thiện chính sách BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp.
Cùng với đó, rà soát, sửa đổi các chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ cho vay, có điều kiện; tách nhóm đối tượng BHXH ra khỏi nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo, từ đó có cơ sở để thiết kế và thực hiện chính sách giảm nghèo một cách có hiệu quả.
Nghiên cứu điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và căn cứ chuẩn nghèo áp dụng cho từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh mở rộng diện đối tượng hưởng, ưu tiên hỗ trợ đối với các nhóm yếu thế vùng sâu, vùng sa, dân tộc thiểu số; đa dạng hóa các loại hình trợ giúp xã hội và tăng cường các dịch vụ phúc lợi xã hội./.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
0 Nhận xét