Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH như thế nào là hợp lệ? |
Căn cứ Điều 20, Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết về nguyên tắc cấp giấy nghỉ ốm hay còn gọi là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Thứ nhất, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thứ hai, thời hạn giấy nghỉ ốm hưởng BHXH
Khoản 1 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định, một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Như vậy, việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Riêng trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Thứ 3, người có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Người hành nghề KCB (y, bác sĩ) làm việc tại cơ sở KCB đã được cấp giấy phép hoạt động được ký Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan BHXH.
Trường hợp người đứng đầu cơ sở KCB hoặc người được ủy quyền đồng thời là người KCB thì người đó chỉ cần ký và đóng dấu ở phần “Xác nhận của thủ trưởng đơn vị” và không phải ký tên ở Phần y, bác sỹ KCB nhưng vẫn phải ghi ngày, tháng, năm cấp.
Thứ 4, dấu trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Nội dung Xác nhận chữ ký của Y, bác sỹ phía dưới bên trái mẫu giấy chứng nhận là chữ ký, họ tên của lãnh đạo phụ trách y, bác sỹ tại nội dung 1 công văn này và đóng dấu (sử dụng con dấu của bệnh viện hoặc các khoa khám, chữa bệnh hoặc phòng Kế hoạch – Tổng hợp).
Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.
Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH 2020
Theo Công văn số 5233/BHXH-CSXH, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH sẽ được thực hiện theo Phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Theo Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam
0 Nhận xét