Mặc dù ý nghĩa như vậy, nhưng hiện nay việc thực hiện mục tiêu này vẫn còn nhiều lực cản mà ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, còn cần có sự vào cuộc của người dân mới có thể thực hiện mục tiêu "bảo hiểm y tế toàn dân".
Ảnh minh hoạ |
Quý I/2020 là khoảng thời gian cao điểm với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành bảo hiểm Thủ đô. Đơn cử, việc tổ chức các hội nghị tư vấn, đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế không thể thực hiện được, dẫn đến số đối tượng tăng mới ít. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, thậm chí dừng hoạt động nên công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa đạt kế hoạch đề ra.
Tại quận Long Biên (Hà Nội), số lượng đơn vị đăng ký thành lập mới không giảm. Nhưng thực tế số lao động tham gia bảo hiểm lại không tăng.
Lý giải điều này, bà Lê Kim Thúy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Long Biên cho rằng, một số doanh nghiệp đã tìm cách không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Chiêu thức doanh nghiệp đưa ra là không có hợp đồng thuê mướn lao động, chủ yếu là sử dụng nguồn lao động mang tính chất gia đình. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động; doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương ở Hà Nội. Số liệu của Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho thấy, so với tháng 12/2019, đến nay không chỉ số nợ bảo hiểm xã hội tăng (xấp xỉ 1.000 tỷ đồng) mà số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng giảm. Ước tính đến hết tháng 6/2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn thành phố là 1.730.801 người, giảm 32.232 người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.616.753 người, giảm 28.555 người.
Riêng về bảo hiểm y tế, đến tháng 6, tỷ lệ bao phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 86,29% dân số, trong khi chỉ tiêu Hội đồng nhân dân thành phố giao năm 2020 là 90,1%. Như vậy, đồng nghĩa với việc toàn ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội sẽ phải phát triển thêm được 306.503 người tham gia. Đây là con số không dễ gì thực hiện trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, người lao động nhận thức chưa cao, đang là những lực cản cho mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân của Hà Nội.
Linh hoạt các giải pháp
Nhằm mở rộng độ bao phủ, tiến tới mọi người dân đều tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng năm, bảo hiểm xã hội thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện, yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm; ban hành các văn bản phối hợp với các sở, ngành thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền về bảo hiểm cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.
Chia sẻ về nội dung trên, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm, năm nay nếu các địa phương quận, huyện không quyết liệt vào cuộc sẽ rất có thể không hoàn thành mục tiêu phát triển đối tượng như yêu cầu.
Do vậy, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã và chủ động phối hợp với Cục Thuế thành phố cập nhật danh sách các doanh nghiệp đang đóng thuế nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia chưa đủ cho số người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, từ đó có kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng tham gia.
Cho rằng 6 tháng cuối năm là thời điểm “nước rút” để thực hiện mục tiêu của cả năm, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội thông tin, Bảo hiểm thành phố đang chỉ đạo linh hoạt, đồng bộ và thực hiện quyết liệt giải pháp để cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và giảm nợ đọng.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, Bảo hiểm xã hội quận Long Biên đã chuyển hướng để phát triển đối tượng. "Trước việc doanh nghiệp khó khăn, đóng cửa hay tìm cách lách thì Bảo hiểm xã hội quận Long Biên đang tập trung mở rộng đối tượng bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình. Đây là dư địa còn tiềm năng để cơ quan bảo hiểm khai thác phát triển trong lúc xã hội bị tác động từ dịch COVID-19 gây ra", bà Lê Kim Thúy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Long Biên cho biết.
Trong nhiều lần làm việc với Bảo hiểm xã hội Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, lực cản thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân xuất phát từ khách quan dịch bệnh, song cũng có từ yếu tố chủ quan của một số cá nhân, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, các sở, ngành liên quan cần nỗ lực hết mức để hoàn thành các chỉ tiêu, không phải vì thành tích mà bởi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những chính sách trụ cột đảm bảo an sinh xã hội, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Về các giải pháp cụ thể, ông Ngô Văn Quý chỉ đạo các đơn vị, quận, huyện, thị xã phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động để mở rộng diện bao phủ, nhất là với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Mặt khác, kiên trì đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội, rà soát và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý những đơn vị vi phạm… Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội thành phố cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, qua đó giúp người dân, người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa để tích cực tham gia bảo hiểm, để hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân như mục tiêu đề ra.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
0 Nhận xét